Lịch sử Viện_Viễn_Đông_Bác_cổ

Thời kỳ Đông Dương

Bảo tàng Louis Finot của EFEO đầu thế kỷ 20, nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Viện Viễn Đông Bác cổ được thành lập năm 1900 nhờ sự thúc đẩy của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres) và Chính phủ Liên bang Đông Dương. Trong khi Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương mong muốn gửi những nhà nghiên cứu tới châu Á thì chính phủ toàn quyền Đông Dương muốn thành lập một cơ quan để tìm hiểu và bảo tồn các di sản văn hóa Đông Dương.[1]

Năm 1902, trụ sở của EFEO được đặt tại Hà Nội với nhiệm vụ chính là khai quật khảo cổ, thu thập các tài liệu viết tay, bảo tồn các công trình, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và lịch sử các nước châu Á, từ Ấn Độ cho tới Nhật Bản. Năm 1907, EFEO nhận trách nhiệm bảo tồn quần thể kiến trúc Angkor và còn theo đuổi dự án này trong nhiều năm. Với tham vọng rộng lớn về mặt khoa học, EFEO xây dựng ở Hà Nội một thư việnbảo tàng, về sau trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tiếp theo đó, EFEO cũng thành lập nhiều bảo tàng khác ở Đà Nẵng, Sài Gòn, Huế, Phnôm Pênh, Battambang... Giai đoạn khởi đầu của EFEO ghi dấu ấn nhờ những đóng góp của các học giả, những tên tuổi lớn về Đông phương học như Paul Pelliot, Henri Maspero, Paul Demiéville về Hán học, Louis Finot, George Cœdès về khoa văn khắc Đông Dương, Henri Parmentier về khảo cổ học, Paul Mus về lịch sử tôn giáo...[1]

Sau 1945

Năm 1945 đánh dấu sự mở đầu một giai đoạn mới với EFEO. Mặc dù chiến tranh, các nhà khoa học vẫn hợp tác với chính phủ các quốc gia mới để theo đuổi những công trình ở Đông Nam Á: nghiên cứu về Phật giáo, ngôn ngữ, văn học, dân tộc học... Các cuộc khai quật khảo cổ và việc trùng tu Angkor vẫn tiếp tục. Nhưng tới năm 1957, Viện Viễn Đông Bác cổ phải rời Hà Nội. Tiếp đó, năm 1975, viện lại phải rời khỏi Phnom Penh.[2]

Tuy vậy, EFEO cũng đã thành lập được nhiều chi nhánh ở châu Á. Từ 1955 tại Ấn Độ, các thành viên của EFEO cộng tác với Trung tâm Pháp ở Puducherry (Institut français à Pondichéry, IFP), tham gia nghiên cứu văn học và nghệ thuật vùng Nam Ấn. Trung tâm ở Puducherry về sau còn có thêm một chi nhánh ở Pune. Cũng khoảng cuối thập niên 1950, một trung tâm được thành lập tại Jakarta chuyên về nghiên cứu văn khắc tôn giáo và khảo cổ. Từ năm 1968, tại Nhật Bản, Viện Hobogirin tập trung nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Trung Hoa và Nhật. Vài năm sau đó, một trung tâm khác về Phật giáo Đông Nam Á được mở tại Chiang Mai, Thái Lan. Các học giả quan trọng của EFEO giai đoạn này có thể kể tới Jean Filliozat về Ấn Độ học, Rolf Stein về Hán học và Tây Tạng học, Bernard Philippe Groslier về khảo cổ ở Angkor, Charles Archaimbault về dân tộc học, Maurice Durand nghiên cứu về Việt Nam...[2]

Đương đại

Sau khi Đông Nam Á kết thúc các xung đột và dần ổn định về chính trị, EFEO trở lại bán đảo Đông Dương, hợp tác cùng các nhà khoa học địa phương. Đầu tiên, năm 1990 tại Campuchia, Viện Viễn Đông Bác cổ tiếp tục các cuộc khai quật lớn ở Angkor. Ba năm sau, EFEO trở lại Lào. Tiếp đó ở Hà Nội, trung tâm EFEO được thành lập kèm một thư viện, tiến hành các nghiên cứu về lịch sử và nhân loại học. EFEO Hà Nội cũng có vai trò xuất bản với một tập san về văn khắc.[3]

Sau Hà Nội, EFEO không ngừng mở thêm các chi nhánh, tại Hồng Kông, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Tokyo, Seoul và cuối cùng tại Bắc Kinh vào năm 1997. Cùng với sự phát triển trên phương diện địa lý, lĩnh vực nghiên cứu của EFEO cũng mở rộng, hướng dần về đương đại: nhân khẩu học Đông Dương, nghiên cứu về thương mại ở Ấn Độ, các thay đổi về tôn giáo tại Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Thế kỷ 21, Viện Viễn Đông Bác cổ tiếp tục tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, nghiên cứu về châu Á.[3] Năm 2007, EFEO đóng vai trò chính, cùng một số viện nghiên cứu khác thánh lập Hiện hội châu Âu nghiên cứu về châu Á (European Consortium for Asian Field studies, ECAF).[4]